Xây dựng nông thôn mới ở Can Lộc - Hà Tĩnh: Thành quả không chỉ ở con số

'Cái được lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là tình đoàn kết, tinh thần tham gia tích cực của người dân vì môi trường sống tốt hơn.

 

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc nói về thành công trong việc xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất kiên trung, anh dũng.

 Gương mặt mới của Can Lộc...

Cái oi nồng cuối hạ dường như dịu đi khi chúng tôi đặt chân lên mảnh đất xã Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Đường làng ngõ xóm rộng rãi, khang trang, sạch đẹp. Các thôn xóm vắng bóng những ngôi nhà tranh, vách đất, chỉ còn đó vẻ rạng rỡ trên gương mặt mỗi người dân.

Người dân huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hào hứng tham gia xây dựng nông thôn mới.      Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Quang Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc hồ hởi: “Ngoài việc UBND xã đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí để xây dựng các cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hóa, điều đáng mừng là sự hưởng ứng và ý thức tham gia của người dân rất tích cực. Họ hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Có nhiều hộ dù diện tích đất không rộng nhưng sẵn sàng dỡ một phần nhà và công trình phụ, công trình chăn nuôi để mở rộng hành lang giao thông. Họ hiến ngày công tham gia làm đường làng ngõ xóm chung trong toàn xã, đường giao thông nội đồng, các cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa, sân vận động, xây dựng vườn mẫu, chỉnh trang vườn hộ...”.

Không chỉ ở xã Thanh Lộc, mà hầu hết các xã của huyện Can Lộc đều thay da đổi thịt từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho hay: “9 năm về trước, khi bắt đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Can Lộc đã quyết tâm sẽ đạt được thành quả như ngày hôm nay: Đó là kinh tế phát triển khá; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt, an ninh trật tự xã hội được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, quy mô sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy, các giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy”.

Quân và dân huyện Can Lộc, Hà Tĩnh chung sức vì một nông thôn mới ở địa phương.   Ảnh: PV.

Đến nay, toàn huyện đạt 418 tiêu chí/21 xã, bình quân 19,9 tiêu chí/xã. Số xã được công nhận đạt chuẩn NTM là 18/21 xã. Dự kiến đến ngày 30/9/2019 có 21/21 xã đạt chuẩn. Đáng ghi nhận là đến nay có 21/21 xã đạt tất cả các tiêu chí trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã NTM. Về kết quả thực hiện 9 tiêu chí huyện NTM, đến nay toàn huyện đạt 6/9 tiêu chí, bao gồm: Giao thông, thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM. 3 tiêu chí cơ bản đạt là Quy hoạch, y tế - văn hóa - giáo dục và môi trường. Theo kế hoạch, đến 31/10/2019 đạt 9/9 tiêu chí cấp huyện, đồng thời trình Trung ương, tỉnh thẩm định huyện đạt chuẩn NTM.

Về xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu đạt chuẩn, toàn huyện có 185/185 thôn của 21 xã đã xây dựng phương án triển khai khu dân cư NTM kiểu mẫu, trong đó đã có 21 thôn đạt chuẩn 10/10 tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, có 804 vườn hộ đã và đang xây dựng mô hình vườn mẫu, trong đó có 290 vườn đã được công nhận đạt chuẩn, các vườn mẫu đạt chuẩn.

Người dân Can Lộc hiến ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới.   Ảnh: P.V

Hiện nay, hệ thống giao thông đường huyện lộ, theo quy hoạch đường huyện có 8 tuyến đường với tổng chiều dài 84,01km được đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch được duyệt, đến nay, 8/8 tuyến cơ bản đạt mặt tối thiểu 5,5m, nền đường tối thiểu 7,5m theo quy định. Trong 9 năm đã làm mới và nâng cấp 851,4 km đường giao thông nông thôn. Kết quả năm 2011, huyện Can Lộc được Thủ tướng Chính phủ tăng cờ thi đua về phong trào làm giao thông nông thôn.

Hệ thống thủy lợi liên xã được xây dựng phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Hiện trên địa bàn huyện có 7 hồ đập với tổng dung tích 56,98 triệu m3; 2 trạm bơm; các hệ thống kênh tưới liên xã dài 104,77km đảm bảo cấp đủ nước cho các tuyến kênh cấp xã trên địa bàn toàn huyện. Diện tích sản xuất nông nghiệp năm 2019 của huyện được đáp ứng nguồn nước là 21.866ha/21.866ha, đạt 100%.

Huyện NTM kiểu mẫu - đích đến của Can Lộc

Ông Nguyễn Duy Cường cho biết, về sản xuất, hiện nay huyện tập trung chỉ đạo sản xuất 3 vùng tập trung, gồm vùng sản xuất lúa tập trung, vùng sản xuất rau, củ, quả và vùng sản xuất cây ăn quả. Về chăn nuôi, toàn huyện có 22 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô 300 - 2.000 con/lứa và 4 trang trại chăn nuôi lợn nái quy mô 300 - 2.200 con lợn nái/trang trại, đáp ứng nhu cầu con giống cho các trang trại chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn và các vùng lân cận. Các trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn đang hoạt động theo chuỗi giá trị, khép kín từ đầu vào đến đầu ra liên kết với các Công ty TNHH MTV Nông lâm Hà Tĩnh, CP.

Không chỉ hiến ngày công, người dân Can Lộc còn hiến cả đất để làm đường giao thông nông thôn.    Ảnh: P.V.

Tại Can Lộc, các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả ngày càng tăng về quy mô, giá trị. Toàn huyện đã thành lập mới được 893 mô hình sản xuất các loại cho doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp từng bước được đổi mới, hiện đại, phong phú về ngành nghề SXKD. Toàn huyện thành lập được 545 tổ hợp tác, 108 hợp tác xã, 163 doanh nghiệp, 100% số xã đã có HTX, THT và doanh nghiệp.

Huyện Can Lộc đã kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại Đồng Kênh, thị trấn Nghèn với quy mô 11,46ha, công suất 40 tấn/ngày/đêm, phục vụ xử lý rác cho 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

 

Người dân nhiệt tình tham gia xây dựng nông thôn mới bởi hiểu công việc này có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của chính mình.       Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Quang Phú cho hay: “Nước thải và rác thải đang là những vấn đề nóng ở nông thôn. Ở xã Thanh Lộc, để giải quyết được vấn đề nước thải sinh hoạt, đặc biệt là nước thải chăn nuôi cũng là việc khá khó khăn, cần phải có hệ thống đường sá kênh mương, các rãnh thoát nước. Xã Thanh Lộc có 1 hợp tác xã vệ sinh môi trường và 10 đơn vị có tổ thu gom rác thải, mỗi xóm có 1 công nhân thu gom rác thải. Hiện rác thải tại Thanh Lộc được xử lý theo hai hình thức: chôn lấp và đốt. Xã đã tuyên truyền cho người dân không đưa rác thải vô cơ ra tập kết mà chủ yếu là rác thải sinh hoạt”.

Không phải ngẫu nhiên Can Lộc có được sự thành công trong 10 năm xây dựng NTM hơn cả mong đợi như vậy. Dù gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí còn hạn chế, lại không có lợi thế về điều kiện tự nhiên (địa hình, đất đai), do vậy việc sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn... nhưng Can Lộc đã đưa ra nhiều giải pháp, quyết tâm thực hiện thành công việc xây dựng NTM.

Kênh mương nội đồng được chỉnh trang.    Ảnh: P.V

Ngoài huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Can Lộc chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng NTM cho người dân, và có những cách tuyên truyền chủ động, sáng tạo như thông qua các hoạt động sân khấu hóa, các hội diễn, hội thi, treo panô, áp phích tại các điểm công cộng trung tâm các xã hay những tấm gương tiêu biểu xây dựng NTM. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã trực tiếp xuống tận thôn xóm để tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hiến tài sản… thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Ngoài ra, huyện thường xuyên tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng NTM tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, tạo động lực và khí thế thi đua mới trong việc xây dựng NTM.

“Trong các cuộc sinh hoạt chính trị Đảng bộ, cuộc họp dân xóm, từng đảng viên, hội viên đều được tuyên truyền để nhận thức rõ vấn đề ý thức, hành động trong việc xây dựng NTM là xây dựng cho chính bản thân của họ; để người dân hiểu được rằng NTM chính là cơ hội đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho họ. Đặc biệt, hệ thống truyền thanh của xã phát thanh các bài thông tin, vận động, tuyên truyền xây dựng NTM một ngày 2 buổi sáng - chiều. Vì thế, người dân dần thấm nhuần, nhiệt tình tham gia xây dựng NTM”.

Ông Nguyễn Quang Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Giai đoạn 2021-2025, Can Lộc hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, gắn với việc phát triển dịch vụ - du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn; phát triển con người Can Lộc mạnh về kinh tế, giàu về bản sắc văn hóa; phát huy vai trò làm chủ của người dân, để dân tự làm, tự giám sát và hưởng lợi; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững. Và như lời ông Nguyễn Duy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc khẳng định: “Huyện Can Lộc phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu. Can Lộc trở thành miền quê đáng sống, điểm đến yêu thích của du khách”./.
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận